Menu Đóng

Những điều cần biết về IELTS

Bài thi nghe IELTS là một bài thi tương đối khó, một phần vì ở bài nghe IELTS, ngoài những câu hỏi trắc nghiệm (như trong bài thi nghe TOEIC), chúng ta còn gặp rất nhiều câu hỏi đòi hỏi người thi phải ghi cụ thể ra những gì mình nghe được, như dạng bài text-completion.

Trong bài hôm nay, Tiếng Anh Mỗi Ngày muốn chia sẻ đến các bạn một vài điểm cần lưu ý để có kết quả tốt trong bài nghe IELTS.

Phát triển khả năng tư duy và phán đoán

Khi làm bài nghe, ta không chỉ cần một đôi tai tốt, một kỹ năng nghe tốt, mà còn cần một chút tư duy.

Khi có thời gian đọc đề cho mỗi phần, hãy đoán mọi thứ bạn có thể, từ tình huống, chủ đề, số người tham gia cuộc hội thoại, đoán nghĩa của một từ lạ và cả đáp án. Thói quen này giúp bạn có hình dung rõ hơn về thứ mình sắp nghe và biết phải chờ đợi điều gì mà không bị bỡ ngỡ hay quá tải thông tin.

Ví dụ:

Câu đề: A group of best friends is talking about something in the library.

Câu hỏi:

  1. ….Julia agrees that __________
  2. Julia loves _________
  3. Jim is hilarious because he always makes every laugh.

Dựa vào đề, bạn có thể đoán họ đang nói về chủ đề học tập, dự án trong trường (khả năng cao nhất) hoặc nói về một cuốn sách nào đó (khả năng thấp hơn)… Bạn có thể đoán có khoảng 4-5 người trong “nhóm” này.

Dựa vào câu hỏi 1, bạn có thể đoán Julia đang đồng tình với một quan điểm gì trước đó -> xem kĩ lại thông tin phía trước để có cơ sở.

Dựa vào câu hỏi 2, ban có thể dự đoán được câu trả lời có thể là một danh từ hoặc một hành động (dạng V-ing) nhờ từ “loves”.

Dựa vào câu hỏi 3, bạn có thể đoán nghĩa của từ “hilarious” là “vui tính, buồn cười” nhờ vào vế sau “always makes everyone laugh” dù bạn chưa từng thấy từ này bao giờ.

Đây chỉ là một ví dụ minh họa cho lượng thông tin bạn có thể đoán dựa vào tất cả những dữ liệu bạn có.

Bài tập: Hãy thử dự đoán đáp án của các câu sau:

  1. Helen has 2 siblings who work in the hospital. One is a ____ and the other one is a _____
  2. He doesn’t like spicy food but after coming to Korea, he enjoys eating ____
  3. Why does the woman go to the bank? ______

Phát triển khả năng tập trung khi nghe

Lúc làm bài nghe, có bao giờ bạn bị mất tập trung chưa? Có rất nhiều yếu tố khách quan khiến bạn “ngơ ngác vài giây” hay thậm chí chỉ là do não bạn lơ là vài giây thôi đã khiến bạn bỏ mất một thông tin quan trọng. Chính vì vậy, hãy rèn luyện cho bản thân một tinh thần thép cả trong khi tập luyện và trong phòng thi.

Hãy chọn thời điểm luyện nghe là vào những lúc bạn minh mẫn, tỉnh táo nhất như khi vừa ngủ dậy. Đồng thời, hãy chọn một môi trường ít tiếng ồn (như phòng riêng hay thư viện), tránh các quán xá mở nhạc hoặc có quá nhiều tiếng nói chuyện.

Hãy tập trung làm bài, tránh suy nghĩ lan man (ngay cả khi chiều nay bạn được đi chơi với đám bạn chẳng hạn). Hãy gạt bỏ mọi ý nghĩ khác và dành toàn tâm cho việc luyện thi IELTS. Đối với một số người, sau khi đã đọc kỹ đề và câu hỏi, họ tránh nhìn chằm chằm vào câu hỏi hoặc một đáp án nào đó khi bài nghe chạy đến phần đó vì điều đó có thể khiến họ bị phân tâm.

Lúc nghe cần tập trung và tập thói quen kết hợp giữa tai, tay và mắt, tránh trường hợp nghe đúng nhưng khoanh hoặc viết đáp án sai. Đồng thời, hãy tập trung cao độ để có thể nhận ra các phần nghe có các yếu tố đánh lừa ví dụ như:

  1. Đề hỏi số điện thoại và băng nói: “My phone number is 09098768786… Oh wait, sorry, it’s 09098768787…”
  2. Đề hỏi họ đã đi đâu trước và băng nói: “The library sounds like a good idea! But since I haven’t eaten, let’s go to the cafeteria first.”

Không có gì nóng vội cả, bạn nên giữ tâm lý vững vàng để nghe cho hết câu trước khi chọn đáp án.

Sử dụng thời gian hợp lý

Khi đi thi bất kỳ kỹ năng nào, điều bạn luôn được nhắc nhở đó chính là yếu tố thời gian. Thông thường, do yếu tố tâm lý hoặc chưa biết canh giờ, chúng ta thường không phân bổ thời gian hợp lý cho các phần trong bài thi dẫn đến tình trạng làm không kịp.

Để khắc phục tình trạng này, có một số điều nhỏ mà bạn cần lưu ý để có thể giảm nguy cơ chạy đua với thời gian.

Hãy đem theo một chiếc đồng hồ đeo tay nếu được cho phép nếu bạn thấy không đủ tin tưởng vào bản thân. Mỗi khi hoàn thành một phần, bạn có thể dễ dàng kiểm tra thời gian và đặt quy định khoảng thời gian mà bạn dành cho mỗi phần. Có đồng hồ bạn cũng sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn và đỡ gánh nặng thời gian.

Đối với mỗi phần, thay vì ngồi thư giãn không làm gì, bạn nên đọc đề và câu hỏi thật kỹ để nắm chắc nội dung, đồng thời áp dụng các hình thức suy đoán để bắt thông tin khi nghe nhanh hơn.

Khi bạn đã nắm rõ mọi thứ, thời gian bạn khựng lại một câu sẽ được giảm thiểu tối đa. Trong trường hợp bạn không biết phải chọn đáp án nào, hãy tạm thời bỏ qua nếu bạn không muốn phải chạy đua với thời gian. Dành thời gian đó để chuẩn bị cho phần tiếp theo sẽ tốt hơn.

Cuối cùng, luôn phải dành ra ít nhất 3-5 phút để kiểm tra lại bài nhé.

Cẩn thận khi viết câu trả lời

Phần quan trọng sau cùng chính là độ chính xác và cẩn thận khi làm bài.

Chúng ta vẫn thường thấy tình trạng nghe rất đúng, rất đủ nhưng lại viết sai chính tả, dấu câu, dư một con số, thiếu một dấu phẩy hay vô tình chọn đáp án sai. Với áp lực phòng thi và thời gian, việc bạn mắc lỗi là điều không tránh khỏi. Do đó, hãy tập thói quen chính xác và cẩn thận này kể từ khi bạn bắt đầu luyện nghe.

Những lúc làm bài hay luyện tập, hãy nghiêm túc xem như mình đang thi thật để tạo tâm lý và thúc đẩy bản thân cẩn thận hơn. Đừng bao giờ viết tắt đáp án, viết nguệch ngoạc, loạn xạ hay nghe với tâm trạng “mơ màng” vì nghĩ bạn chỉ đang luyện tập. Mỗi lần viết hay chọn, hãy để ý kỹ để chắc là bạn không bị lỗi chính tả, dấu câu vì thật sự những lỗi này bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Đồng thời, hãy kiểm tra lại mỗi phần sau khi làm xong và kiểm tra lại toàn bộ khi bạn hoàn thành.